30/07/2021

5 lời khuyên dành cho cha mẹ khi biết con gặp chứng rối loạn phổ tự kỷ

 

    Với nhiều năm làm việc và tiếp xúc trong lĩnh vực đánh giá và can thiệp cho hàng trăm trẻ gặp chứng rối loạn phát triển trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ, chúng tôi nhận thấy rằng không ít các gia đình thể hiện sự tuyệt vọng, đau khổ và không thể đối mặt với sự thật với kết quả sau khi được chẩn đoán và đánh giá phát triển từ các nhà chuyên môn. Việc đối mặt với những thách thức của tự kỷ với các gia đình là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên với kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn cho cha mẹ/ người chăm sóc chúng tôi đưa ra các khuyến nghị được xem là cần thiết đối với các bậc cha mẹ như sau:

1. Học để trở thành người trợ thủ đắc lực cho con

    Trong những giai đoạn đầu, việc tìm hiểu và đọc các kiến thức liên quan đến rối loạn của con là điều vô cùng cần thiết. Cha mẹ cố gắng dành nhiều thời gian gặp gỡ các chuyên viên can thiệp, những nhà chuyên môn trong lĩnh vực để nhờ cậy sự giúp đỡ của họ. Tích cực tham gia các khóa học dành cho phụ huynh hoặc tìm hiểu kiến thức trên các trang mạng internet như https://a365.vn/, hoặc trang fanpage "TỦ SÁCH TỰ KỶ",...thường xuyên gặp gỡ các nhà chuyên môn để được hỗ trợ tối đa nhất.

Hãy trang bị kiến thức để hiểu rõ con hơn vì cha mẹ chính là chuyên gia của con (Nguồn: Internet)

2. Hãy giải tỏa cảm xúc của bản thân

    Những cảm xúc đau khổ, giận dữ, né tránh hay cảm giác tội lỗi là những điều mà các bậc cha mẹ thường hay phải trải qua. Điều ưu tiên là hãy gọi tên những cảm xúc và đối mặt với nó, chúng ta có thể khóc thật lớn tiếng vì đó là cảm xúc thật sự mà chúng ta đang trải nghiệm. Việc cố đè nén cảm xúc trong giai đoạn này thực sự không phải là cách tốt nhất.

Hãy chia sẻ cảm xúc của mình và đối diện với nó (Nguồn: Internet)

3. Thay vì chuyển di cảm xúc tức giận lên người khác, thay vào đó là quan tâm tới con hơn

    Có những xung đột hay bất hòa giữa các thành viên trong gia đình vì vấn đề của con, nhiều lúc chuyển di cảm xúc lên các thành viên khác trong gia đình càng tăng thêm sự đau khổ nhưng không giải quyết được vấn đề hiện tại của con. Thay vì như thế, cha mẹ hãy cùng bàn bạc và lên kế hoạch hỗ trợ con, hãy nâng đỡ và chia sẻ cùng nhau để hỗ trợ con và cùng nhau vượt qua thay vì đỗ lỗi cho nhau.

Dành thời gian quan tâm tới con hơn thay vì chuyển di cảm xúc tiêu cực lên người khác (Nguồn: Internet)

4. Hãy ghi nhận sự tiến bộ của con dù là nhỏ nhất

    Đối với các trẻ gặp rối loạn phát triển nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng, sự tiến bộ nhỏ nhặt nhất cũng là điều mà các con phải nỗ lực mới có được. Vì vậy, cha mẹ hãy tự hào và vui mừng vì con đã có những thay đổi dù đó chỉ là một cử chỉ hay một điều nhỏ nhặt nhất. Hãy ngưng việc so sánh con với các trẻ khác cùng lứa tuổi, thay vào đó hãy dành tình yêu thương và ghi nhận mọi điều mà con đã nỗ lực cố gắng.

Hãy khích lệ con và xem đó là sự vượt bậc của con dù cho đó là điều nhỏ nhặt nhất (Nguồn: Internet)

5. Hãy tham gia vào các cộng đồng tự kỷ

    Hiện nay, các trang fanpage, nhóm về hội cha mẹ có con tự kỷ trên facebook ngày càng nhiều. Hãy tìm và kết nối, vì đó không chỉ là nơi các bậc cha mẹ có thể tìm kiếm được sự sẻ chia về cảm xúc mà còn là học được những kinh nghiệm, kiến thức trong việc nuôi dạy con cái.Và đó cũng được xem là nguồn trợ lực rất tốt dành cho các bậc cha mẹ.

Tham gia vào các trang cộng đồng về chứng tự kỷ sẽ giúp cha mẹ tìm kiếm được nhiều nguồn trợ lực hơn (Nguồn: Internet)

C.Bình

7 điều mà con tự kỷ muốn cha mẹ hiểu

 (Bài viết được phỏng lại theo cuốn sách  “Ten Things Every Child with Autism Wishes  You Knew” của tác giả Horizon).

    Đối với trẻ gặp chứng rố loạn phổ tự kỷ các vấn đề khó khăn mà các con thường gặp phải đó chính là những khó khăn, thiếu hụt về các kỹ năng bao gồm kỹ năng giao tiếp xã hội và các vấn đề về hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, rập khuôn. Tuy rằng, chứng rối loạn phổ tự kỷ có những đặc điểm chung, cùng các tiêu chí chẩn đoán nhưng mỗi trẻ tự kỷ lại có mức độ, sự khởi phát và tiến triển của các triệu chứng lại khác nhau. Vì vậy, cha mẹ/ người chăm sóc cũng cần hiểu rõ một điều rằng mỗi cá nhân trẻ đều có một đặc điểm, mức độ tiềm năng và có những điều đặc biệt khác nhau.

    Chính vì lý do đó, để chăm sóc và giáo dục cho các con có chứng tự kỷ là điều không hề dễ dàng gì đối với các bậc cha mẹ, người chăm sóc và kể cả các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, việc thấu hiểu để cùng con phát triển là điều vô cùng quan trọng và được ưu tiên trước khi làm bất cứ điều gì. Vì vậy, những điều mà trẻ rối loạn phổ tự kỷ muốn chúng ta hiểu sau đây:

1. Con là một đứa trẻ, con mắc chứng tự kỷ nhưng con không phải là "trẻ tự kỷ"

    Chứng tự kỷ của con chỉ là một đặc tính tổng thể trong tính cách của con. Con cũng có những tài năng, cũng có những ưu điểm riêng mà bản thân con có thể có. Cha mẹ nghĩ rằng trẻ tự kỷ là dấu chấm hết hay vì con chưa thể làm được gì mà lại kỳ vọng quá thấp vào con thì cha mẹ có thể đã nhầm vì con còn phát triển, nếu cha mẹ có thể tạo các cơ hội để con đáp ứng và học tập vừa với khả năng của con.

Con mắc chứng tự kỷ nhưng con không phải là "trẻ tự kỷ" (ảnh: internet)

2. Đáp ứng về các giác quan của con có sự khác biệt

    Các cơ quan cảm giác đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta đưa ra những phản ứng phù hợp trong môi trường xung quanh. Nhưng đối với chứng rối loạn phổ tự kỷ thì điều này không hề dễ dàng gì, nhiều trẻ có vấn đề đi kèm với rối loạn giác quan sẽ tỏ ra quá nhạy bén hoặc có những trẻ lại đáp ứng trơ lì (chậm) với các đáp ứng kích thích từ môi trường bên ngoài như (Thính giác, khứu giác,  xúc giác, vị giác, hay sự thăng bằng, cảm nhận bản thể ...)

    Nhiều lúc tiếng máy khoan của ba đang sửa chữa, tiếng máy xay sinh tố mẹ đang làm, hay mùi hương nước hoa của mẹ cũng đủ làm con quá sợ hãi phải bịt tai la khóc hay phải thể hiện sự khó chịu vì những khích thích âm thanh hay mùi vị đó. 

Đáp ứng về các giác quan của con có sự khác biệt (ảnh: internet)

 3. Cần phân biệt giữ việc "con không chịu làm""con không thể làm"

    Đối với trẻ gặp chứng rối loạn phổ tự kỷ, kỹ năng về ngôn ngữ tiếp nhận và cử chỉ điệu bộ của con là vấn đề khó khăn lớn mà các con thường gặp phải. Nhiều lúc cha mẹ thường than phiền rằng con không chịu nghe lời, nhiều lúc phải nói thật lớn thì con mới chịu quay lại hay mới chịu đáp ứng. Nhưng thực sự điều cha mẹ chúng ta cần phải hiểu đó là năng lực nghe hiểu của con chỉ ở mức độ giới hạn, thay vì cha mẹ chúng ta nói nhiều, nói dài thì hãy tới gần con, nói rõ từng từ một và ngắn gọn. Đối với những trẻ chưa đáp ứng tốt với tên gọi thì cha mẹ cố gắng tới vỗ vào vai con đồng thời gọi tên con khi gọi tên. Với khả năng nghe hiểu đơn giản, chúng ta có thể sử dụng nhiều cách khác nhau như nói một cách ngắn gọn, có thể hỗ trợ bằng việc chỉ tay tới đồ vật mà mình yêu cầu con, hãy kiên nhẫn trong từng hoạt động.

4. Trẻ chỉ hiểu được những điều cụ thể và trực quan

    Để hiểu được điều ai đó muốn nói đã khó, việc nghe những câu nói dài và nghĩa bóng thì thực sự là một trong những điều thử thách đối với các con. Chính vì thế, ngoài việc cha mẹ hạn chế nói những câu nói mang tính hàm ý, nghĩa bóng thì nên nói những câu gợi lên hình ảnh để con dễ hình dung và tiếp nhận và xử lý ý nghĩa câu nói nhanh hơn.

Trẻ chỉ hiểu được những điều cụ thể và trực quan (ảnh: internet)

5. Cha mẹ hãy kiên nhẫn với hạn chế về ngôn ngữ của con

    Càng lớn lên theo thời gian, con càng có nhiều nhu cầu hơn, nhưng để thể hiện được nhu cầu qua lời nói thì thực sự không hề dễ dàng tí nào. Nhiều lúc con cảm thấy khó chịu, con muốn được ăn, muốn đồ chơi,..nhưng không biết phải nói thế nào bởi vì năng lực của con chưa có thể dùng được lời nói. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đến các cử chỉ điệu bộ, hành vi thể hiện mong muốn của con để tìm hiểu con muốn điều gì. 

Cha mẹ hãy kiên nhẫn với hạn chế về ngôn ngữ của con (ảnh: internet)

6. Con gặp khó khăn trong việc chơi đùa và tương tác với người khác

    Cha mẹ sẽ nhìn thấy con tỏ vẻ thụ động, thu mình và ít tiếp xúc và chơi đùa với người khác, chủ yếu chỉ ngồi chơi một mình hay chơi theo cách riêng của con. Đó chính là những khó khăn mà con đang gặp phải, cha mẹ hãy khuyến khích và hướng dẫn con chơi bắt đầu với các trò chơi con thích. Việc lựa chọn hoạt động chơi phù hợp với sở thích và mức độ khả năng của con là vô cùng quan trọng, cha mẹ hãy tham gia một cách nhiệt tình mà không yêu cầu gì con trong hoạt động chơi. 

Con gặp khó khăn trong việc chơi đùa và tương tác với người khác (ảnh: internet)

7. Bình tĩnh và tìm nguyên nhân gây ra hành vi của con

    Cha mẹ có thể thường thấy con thường xuất hiện các hành vi như ăn vạ, ném đồ, tự cắn tay, đập đầu,..một cách quá mức và xảy ra thường xuyên, có lẽ đây cũng là nỗi băn khoăn đối với các bậc cha mẹ khi đối mặt với những hành vi như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, ngoài các hành vi mang tính tự động hay những phản ứng mang tính kích thích giác quan thì việc thể hiện hành vi nói chung đều có chức năng là để thể hiện nhu cầu giao tiếp, để mong muốn người khác hiểu điều trẻ đang cần là gì. Vì vậy, hành vi thường xảy ra với một số chức năng chúng ta có thể nhìn nhận được như: để trốn tránh hoặc đáp ứng cảm giác. để thể hiện nhu cầu, mang tính thói quen, để trốn tránh nhiệm vụ,...

Bình tĩnh và tìm nguyên nhân gây ra hành vi của con (ảnh: internet)

    Vì vậy, cha mẹ không nên quy chụp mọi hành vi của con đều là hành vi tiêu cực mà hãy phân tích và nhìn nhận xem điều gì gây nên hành vi của con để có phương hướng giúp đỡ con phù hợp nhất có thể.

C.Bình

29/07/2021

Xem tivi, điện thoại có phải là nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ?

 

1. Khó khăn của trẻ tự kỷ mà cha mẹ cần biết

    Trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường gặp các khó khăn mang tính cốt lõi bao gồm khả năng giao tiếp, kỹ năng tương tác xã hội, các hành vi rập khuôn định hình và có những trẻ còn có vấn đề liên quan đến rối loạn giác quan. Các vấn đề khó khăn này thường khởi phát ở những năm đầu đời, và thường được cha mẹ nhận thấy rõ nhất với các biểu hiện như:

    Ngôn ngữ: Cha mẹ cũng có thể nhận thấy rằng con rất khó khăn khi thể hiện lời nói, và có nhiều trường hợp 3-4 tuổi rồi vẫn chưa có lời nói hoặc vốn từ vựng rất ít và nói không có tính chủ đích (hay nói cách khác là chưa có ngôn ngữ mang tính chức năng).

    Hành vi chơi đùa: Cha mẹ có thể nhận thấy các biểu hiện như con rất ít tương tác chơi đùa, cách thức chơi cũng chậm và khác biệt (như ít hứng thú với đồ vật, đồ chơi; chơi một cách máy móc và rập khuôn theo một kiểu như đẩy xe qua lại liên tục, thích ngắm bánh xe quay tròn, hay nhiều lúc thích xếp hàng dài để ngắm nghía,....). 

     Tương tác xã hội: Một số biểu hiện mà cha mẹ dễ nhận thấy những khó khăn mà các con gặp phải như rất hạn chế trong việc kết nối và chơi đùa với các trẻ khác cùng lứa tuổi, cảm giác như con rất thụ động và rụt rè và thích chơi một mình, đặc biệt là nhiều lúc tỏ ra khó chịu, từ chối đến một môi trường mới lạ hoặc tỏ ra một cách quá tự nhiên và không hề biết sợ hãi trong môi trường mới.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp muôn vàn khó khăn và trở ngại (Ảnh: internet)

2. Trẻ xem tivi, điện thoại là nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ, chậm nói?

    Chứng rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến chức năng của não bộ. được đặc trưng bởi hai khiếm khuyết chính về giao tiếp xã hội và có hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại. 

    Thường các bậc cha mẹ hay suy đoán rằng, việc cho con xem tivi, điện thoại quá nhiều là lý do gây nên con chậm nói hay gây nên triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ của con. Điều đó cũng là một trong những nguy cơ ngầm ẩn gây nên những đau khổ, cảm giác tội lỗi hoặc thậm chí các thành viên trong gia đình còn đỗ lỗi cho nhau về việc giáo dục con thiếu phụ hợp gây nên vấn đề hiện tại của con.Các bậc cha mẹ cần hiểu rằng, nguyên nhân gây nên rối loạn phổ tự kỷ tới nay vẫn chưa được khẳng định. Không có một nguyên nhân duy nhất gây ra chứng tự kỷ và không có một dấu hiệu tự kỷ duy nhất. 

Trẻ xem tivi, điện thoại không phải là nguyên nhân gây nên tự kỷ  (Nguồn internet)

    Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ nhận thấy một điều rằng các trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thường có một hứng thú và nhạy bén một cách rất đặc biệt với các thiết bị công nghệ nói chung. Và với việc thích thú đặc biệt với các thiết bị công nghệ như vậy cộng thêm việc cha mẹ chiều và cho con sử dụng thường xuyên, điều đó vô tình cản trở quá trình giao tiếp mang tính xã hội của con. Việc sử dụng tivi, điện thoại là kênh một chiều không có sự tương tác và hồi đáp lại các đáp ứng của trẻ, điều này càng dẫn tới nhiều nguy cơ gây nên khó khăn của trẻ. 

    Với những khiếm khuyết của trẻ rối loạn phổ tự kỷ như giao tiếp xã hội và các hành vi hạn hẹp, lặp đi lặp lại đã có từ trước cộng thêm những rào cản để kết nối xã hội vì thường xuyên xem tivi, điện thoại sẽ là vấn đề làm giảm các kỹ năng của trẻ thêm trầm trọng hóa hơn.

    Vì vậy, việc để trẻ xem tivi, điện thoại chỉ làm tăng thêm những khó khăn của trẻ chứ không phải là nguyên nhân gây nên. Vì thế, các bậc cha mẹ cần lưu ý giảm thiếu tối đa thời gian cho con xem tivi, điện thoại, thay vào đó là tăng thời gian tương tác trực tiếp giữa người với người cùng với con, gia tăng thời gian tham gia các hoạt động cùng với con trong các hoạt động hàng ngày và đặc biệt cần cho con tiếp cận sớm với các chương trình giáo dục sớm tại các trung tâm chuyên biệt.

Tài liệu tham khảo

[1] A365.vn

[2] Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Nữ Tâm An, Hoàng Văn Tiến (2019), Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ tại Việt Nam, NXB ĐHQGHN.










28/07/2021

Điều quan trọng ưu tiên mà cha mẹ phải dạy cho con để phát triển giao tiếp bình thường

1. Cha mẹ cần ưu tiên phát triển giao tiếp không lời trước khi có lời

    Trông chờ con có thể nói và sử dụng được lời nói trong hoạt động hàng ngày có lẽ là điều mà rất nhiều cha mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ hàng mong mỏi. Các kỹ năng giao tiếp bắt đầu từ khi trẻ được vài ngày tuổi (Ví dụ lúc còn sơ sinh trẻ khóc khi lạnh hay đói hoặc hoảng sợ,...) và kỹ năng giao tiếp phát triển qua rất nhiều mức độ để đạt tới kỹ năng giao tiếp bằng lời. Trong đó, giao tiếp bằng lời( Ví dụ: nói, đọc, viết và giao tiếp không lời (ví dụ: cử chỉ điệu bộ,  hoặc tranh ảnh). Tất cả chúng ta cũng dùng các vận động của cơ thể và những kỹ năng xã hội khác như lần lượt, nói vừa và đủ, nhìn, lắng nghe để làm giao tiếp có hiệu quả và ý nghĩa. Tuy nhiên, trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường gặp rất nhiều khó khăn để phát triển kỹ năng giao tiếp và đặc biệt thường thiếu hụt các kỹ năng được xem là cốt lõi và quan trọng trong giao tiếp đó là kỹ năng giao tiếp không lời.


Cha mẹ cần ưu tiên phát triển giao tiếp không lời trước khi có lời (Ảnh: internet)

2. Khó khăn thường gặp của trẻ tự kỷ về giao tiếp không lời 

Ngôi nhà giao tiếp (nguồn Internet)
 
    Trong ngôi nhà giao tiếp có rất nhiều nền móng quan trọng trong vấn đề giao tiếp của con. Trong đó, bao gồm khả năng chú ý, khả năng lắng nghe, khả năng bắt chước, luân phiên, chơi đùa, và ở trên cùng thì mới tới mái nhà đó là cử chỉ điệu bộ và tiếp sau đó mới tới lời nói.Vậy cha mẹ chúng ta thấy rằng, các yếu tố nền móng và yếu tố về giao tiếp không lời có vai trò vô cùng quan trọng.
    Đối với trẻ phát triển bình thường, kênh giao tiếp không lời phát triển rất là tốt trước đó và tự phát triển trong quá trình trẻ phát triển. Tuy nhiên, đối với con có rối loạn phổ tự kỷ khả năng giao tiếp không lời của các con có dấu hiệu khởi phát muộn hơn, số lượng các hành vi giao tiếp mà con thể hiện cũng ít hơn (ví dụ con chỉ thể hiện được một số hành vi cử chỉ điệu bộ như kéo tay, ngửa tay xin khi muốn yêu cầu,... ), số lần con thể hiện không liên tục và ít hơn so với các trẻ phát triển bình thường khác. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc phát triển giao tiếp không lời của các con đã có những phát triển nhưng các con vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết hợp với giao tiếp bằng lời nói (Ví dụ: con sẽ có khó khăn khi vừa ngửa tay xin vừa nói "con muốn"....hoặc  khó khăn khi biểu lộ bằng cử chỉ hành động và lời nói một lúc như nói "con không thích" kèm lắc đầu hoặc lắc tay,...).
 
3. Cách giúp cha mẹ thúc đẩy giao tiếp không lời
    Cha mẹ cần ưu tiên các hoạt động can thiệp cho con thông qua các hoạt động chơi đùa, cải thiện các kỹ năng về cử chỉ điệu bộ giao tiếp, khả năng chú ý đồng thời dựa trên các chương trình can thiệp sớm. Đặc biệt, trong giai đoạn can thiệp thúc đẩy giao tiếp không lời, cha mẹ cần lưu ý dành nhiều thời gian cho hoạt động chơi giữa người với người, hướng dẫn trẻ thể hiện hành vi cử chỉ điệu bộ thông qua việc kích thích động cơ giao tiếp của con như: Hướng dẫn chon chỉ tay khi muốn lấy đồ vật, dạy con biết lắc đầu khi con không muốn hoặc không thích, ..thông qua việc tạo các tình huống trong các hoạt động hàng ngày. Các hoạt động chơi và hướng dẫn kỹ năng chơi sẽ được thể hiện chi tiết trong các bài được đăng trên trang web https://www.dayconsmart.com/ cha mẹ có thể tham khảo thêm trong chuyên mục.
    Như vậy chúng ta có thể nhận thấy, giao tiếp không lời là mốc phát triển vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu cha mẹ tập trung vào việc can thiệp phát triển giao tiếp không lời sẽ mang lại kết quả tích cực tới sự phát triển giao tiếp của con và là bước đà để con phát triển nhanh nhất.

C.Bình





22/07/2021

Những biểu hiện chứng tỏ con bạn chưa sẵn sàng để đi học lớp 1


    Hiện nay thực trạng phụ huynh quá lo lắng cho việc học của con trước khi bước vào lớp 1 nên thường có tình trạng cho con đi học các lớp dự thính quá sớm. Trong đó, đặc biệt là các cha mẹ có con rối loạn phát triển đang học các lớp hòa nhập tại các trung tâm can thiệp, việc cha mẹ thường có xu hướng ép hoặc cố dạy con phải tập đọc, tập viết và làm toán quá sớm thậm chí áp lực lên cả giáo viên can thiệp để đáp ứng kỳ vọng cho con vào lớp 1 trong khi những kiến thức đó lại quá sức so với năng lực hiện tại của trẻ. Hôm nay trang Dayconsmart.blogspot.com sẽ chỉ ra những biểu hiện mà con bạn chưa thực sự sẵn sàng vào lớp 1.

1. Trẻ quá rụt rè, hạn chế trong giao tiếp
    Các biểu hiện cha mẹ cần lưu ý như con thiếu tự tin, dễ bối rối, luống cuống vì không thể trả lời hay đáp ứng các hoạt động vui chơi, kết bạn, thường có xu hướng chơi loanh quanh trong lớp một mình hoặc chơi với rất ít bạn. Trẻ khó khăn trong việc đáp ứng các hoạt động chung trong lớp, hầu như tách biệt mình với các bạn.

Trẻ cần được trang bị các kỹ năng nền tảng để có thể sẵn sàng vào lớp 1

2. Khó khăn khi tham gia các yêu cầu học tập
    Các biểu hiện thường thấy như trẻ tỏ vẻ thờ ơ với các hoạt động chung trong lớp, hay thể hiện sự mất tập trung, thường ngồi một chỗ thụ động hoặc quá lăng xăng, không tuân thủ được các nội quy trong lớp học. Thể hiện kém hứng thú với hoạt động học tập, khả năng chú ý kém và hầu như chỉ chú ý được trong thời gian rất ngắn so với yêu cầu về thời gian của tiết học.
Cần nhìn nhận đúng năng lực của con một cách khách quan bằng các bài test đánh giá năng lực

3. Học chậm, nhanh quên
    Trẻ cần được can thiệp hoặc hỗ trợ đặc biệt trước khi vào học lớp 1 với các kiến thức nền tảng mà các em cần được trang bị sẵn để tiếp thu tốt. Trẻ cần được can thiệp hỗ trợ khi cha mẹ nhận thấy con biểu hiện lo lắng, sợ sệt quá mức, hay có những hành vi như trốn tránh nhiệm vụ học tập trong việc học các môn học như học Tiếng việt hay học toán. Điều này cho thấy trẻ chưa thực sự sẵn sàng trong việc học các môn học ở trường. 
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải xem xét các khía cạnh về năng lực của con như:
- Về khả năng hòa nhập xã hội: Cha mẹ cần chú ý các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hòa nhập, hợp tác, kết bạn, tính kỷ luật và tuân thủ các quy tắc, kỹ năng chia sẻ với người khác,..
- Về nhận thức: Cần xét năng lực về khả năng quan sát, khả năng ghi nhớ, khả năng tư duy ngôn ngữ như trả lời các câu hỏi đố, tư duy so sánh, định hướng không gian,...
- Kỹ năng học tập: Nhận thức các kỹ năng nền tảng về việc việc đọc như (khả năng sử dụng ngôn ngữ, vốn từ vựng, tính lưu loát lời nói, khả năng phân biệt âm tốt, nói rõ ràng,...); nhận thức các kỹ năng tiền đề cho việc học toán như đếm, đếm số lượng,...
Trẻ thường có xu hướng kém tập trung, hay quên (Nguồn: internet)

    Với những biểu hiện cơ bản trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là điều hết sức quan trọng, không chỉ về kiến thức mà còn các kỹ năng xã hội khác. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh cần phải hết sức lưu ý trong khâu chuẩn bị các kỹ năng nền tảng cho trẻ ở giai đoạn cuối mẫu giáo hoặc các em đang học lớp hòa nhập. Việc quá nôn nóng như việc dạy trẻ đọc, viết chữ sớm là cách làm thiếu cơ sở khoa học, không chỉ đốt cháy giai đoạn phát triển của trẻ, gây ảnh hưởng đến tâm lý lo âu của trẻ mà còn gây những hậu quả khó lường trên trẻ./.

C.Bình


21/07/2021

Lợi ích và các bài tập tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở nhà do dịch COVID-19

 

1. Lợi ích của hoạt động thể chất đối với trẻ tự kỷ

    Việc phải ở nhà do dịch COVID-19 kéo dài có thể là một thách thức rất lớn đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Ngoài việc bị giới hạn trong việc tham gia các hoạt động vui chơi, ít có cơ hội được kết nối xã hội, không còn được trực tiếp can thiệp trực tiếp từ giáo viên, ...thì các em còn gặp khó khăn để duy trì các hoạt động thể chất. Bị giới hạn các hoạt động thể chất tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tâm lý của trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Theo các nghiên cứu được công bố gần đây (Lalonde và cộng sự 2014 ; Menear và Neumeier 2015 ; Solish và cộng sự 2010 ; Sowa và Meulenbroek 2012 ) việc tham gia các hoạt động thể chất có ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe, khả năng phối hợp vận động và tim mạch của trẻ em. Vì vậy có thể nói, việc cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các hoạt động phát triển thể chất trong các hoạt động được thiết kế trong gia đình là điều vô cùng cần thiết, trước mắt là trong bối cảnh phải ở nhà do tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.

(Hình ảnh: https://file.hstatic.net/1000288272/file/ermined-girl-practicing-plank-holds-463028749-575b81953df78c98dc891548_73e8ccf0fa32407ab2690363dc4888be_grande.jpg)

2. Các chiến lược tăng cường hoạt động thể chất

- Xây dựng lịch tập và hoạt động cụ thể mỗi ngày: Tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ và các thành viên trong gia đình, ba mẹ nên có các hoạt động như tập thể dục thông qua bài tập nhịp điệu hoặc các hoạt động được lồng ghép theo cách con thích. Mỗi hoạt động  tập khoảng 20 phút ở cường độ cao hoặc 30 phút ở cường độ trung bình mỗi ngày.

- Dựa trên điều trẻ thích: Các bài tập thể dục nên được sử dụng dựa trên sở thích của trẻ, các hoạt động tập không chỉ đơn thuần là vận động mà nên lưu ý tới mục tiêu là sự vui vẻ, cải thiện chú ý, giảm căng thẳng.

- Cần chuẩn bị một môi trường phù hợp: Cha mẹ nên chuẩn bị cho hoạt động tập thể dục với môi trường ưu tiên là thoáng khí, cất giảm các vật dụng gây nguy hiểm xung quanh phòng tập. Cha mẹ cũng nên trao đổi với trẻ trước khi thực hiện các bài tập có thể bằng các chuỗi hình ảnh AAC để trẻ có tâm thế chuẩn bị sẵn sàng trước mỗi hoạt động.

- Các bài tập mà cha mẹ có thể ứng dụng như: Các động tác khởi động (nhịp điệu và âm nhạc), các bài tập như nằm ra và ba mẹ kéo giãn cơ,...ngoài ra có thể cùng con tham gia các hoạt động như leo cầu thang, tập nhảy cóc, nhảy bao bố, hay đá bóng qua lại,...

    Ngoài những tác động tích cực giúp phát triển tốt về mặt vận động, hoạt động thể chất còn giúp giảm căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và kết nối về cảm xúc giữa cha mẹ và con cái.

Bài và ảnh: C.Bình

  Cùng Trung tâm Hoàng Minh đón chào ngày đầu tuần nhiều năng lượng và yêu thương. Trung tâm Hoàng Minh cung cấp các dịch vụ Đánh giá - can ...