29/11/2021

Làm sao để đáp ứng nhu cầu giác quan của con trong khi chơi? Phần 1


    Đối với trẻ rối loạn phát triển nói chung và trẻ rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, các vấn đề rối loạn cảm giác thường xảy ra ở các em với các mức độ và cường độ khác nhau. Có những em thì quá nhạy cảm và phản ứng quá mức hoặc phản ứng kém nhạy cảm (trơ với các kích thích) với các cảm giác như âm thanh, sự đụng chạm, hay thức ăn,...

Hành vi bịt tai vì quá nhạy cảm với âm thanh là một trong các biểu hiện rối loạn cảm giác (Ảnh internet)

    Độ nhạy của các giác quan là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập, giao tiếp và các kỹ năng xã hội của con. Các biểu hiện về rối loạn giác quan mà cha mẹ có thể thấy và quan sát được như: con quá nhạy cảm hay kém nhạy cảm (trơ) ở một số giác quan cụ thể khiến con tìm kiếm hoặc né tránh các kích thích cảm giác. Một số ví dụ như: con thích nhìn đồ vật xoay, thích vẫy tay qua về, thích cắn, mút bất kỳ mọi đồ vật, hay úp tai lên bàn vỗ,..hoặc ngược lại,...

1. Các hoạt động mà cha mẹ cần hỗ trợ khi con có những biểu hiện "khác thường" thành phù hợp.

    Đối với các hành vi cảm giác có thể thấy hai hướng đối lập gồm: Hành vi tìm kiếm cảm giác (trơ cảm giác) và hành vi né tránh các kích thích (quá nhạy cảm)

 1.2. Hành vi tìm kiếm cảm giác: 

    + Thường ngồi ngắm nhìn chuyển động của đồ vật; 

    + Ngắm nhìn các bánh xe ôtô cánh quạt quay tròn; 

    +Thích đổ hết các đồ vật từ trong hộp, trong sọt đồ chơi, ném ra sàn; thích nhún nhảy lên giường, ghế, đệm hay thậm chí cả bàn; 

    + Thích tự xoay quanh mình hay ngồi lắc lư trên sàn nhà,..

Một trong những biểu hiện của hành vi rối loạn cảm giác.  (Ảnh internet)

1.3. Các hoạt động tương ứng mà cha mẹ có thể ứng dụng dựa trên biểu hiện cảm giác của con

    - Hành vi ngồi ngắm nhìn chuyển động của đồ vật: các hoạt động và đồ chơi cha mẹ có thể ứng dụng để chơi bao gồm:

    + Chơi trò chơi lắc lư: Đối với hoạt động này, ba mẹ cần lưu ý tư thế và dụng cụ hỗ trợ để trẻ cảm thấy thoải mái nhất. Một số hoạt động chơi có thể được sử dụng:

    + Trò chơi lắc lư từ trước ra sau: ví dụ cho ngồi trong lòng, cho ngồi trên chiếc ghế lắc bập bênh hoặc đồ chơi bập bênh,..khi lựa chọn được không gian phù hợp chúng ta bắt đầu chơi trò chơi bập bênh tới lui và vừa hướng người ra trước chúng ta nói "Bập" và thả lui ngửa vể phía sau chúng ta nói "Bênh". 

    + Trò chơi với gạo, nước hay bánh xe nước: Đối với các trò chơi này, ba mẹ cần lưu ý là con phải thích thú. ví dụ chơi với gạo có thể xúc gạo rồi rót từ trên cao rót xuống cho con xem, đồng thời nói "rót" hoặc 1 từ có nghĩa nào đó, hay rót nước hoặc trò chơi bánh xe xoay khi đổ nước từ trên xuống.

    + Trò chơi với bong bóng và bóng bay: ba mẹ có thể dùng bong bóng xà phòng để thổi cho con ngắm hoặc rượt theo bắt quả bóng đang bay,..

    + Trò chơi bóng đơn giản: Các hoạt động này chủ yếu chúng ta dùng quả bóng để lăn qua về với con

    - Hành vi ngắm nhìn các bánh xe ôtô, cánh quạt quay tròn: Với các hành vi này, cha mẹ cần lưu ý lựa chọn các hoạt động bao gồm:

    + Con quay hay đồ vật có thể xoay được: Đối với hoạt động này chúng ta nên lựa chọn những đồ vật mà có thể xoay được nếu gia đình không có điều kiện mua con quay hay trẻ không thích con quay. Chúng ta gây sự chú ý của trẻ sau đó xoay đồ vật cho trẻ xem, khi xoay nhớ nói "Xoay" và thể hiện các âm thanh mang tính cảm xúc khi đồ vật đang xoay

    + Những đồ chơi tương tác có chuyển động quay tròn: Chúng ta nên nhớ rằng, bất kỳ một hành động quay nào mà trẻ thích thú và gây được sự chú ý của trẻ cũng là đồ chơi của trẻ. Đừng nghĩ rằng nó là vô bổ và không có tác dụng gì. Việc của ba mẹ là biến những hoạt động vô nghĩa thành có nghĩa và đúng với hoàn cảnh

    - Hành vi dốc/ đổ đồ vật trong hộp chứa ra sàn nhà

    + Chơi nghịch gạo hoặc cát: ba mẹ nên dùng một cái thau hoặc cái hộp, đổ gạo hoặc cát vào trong đó sau đó cho con tiếp xúc và chơi. Nên nhớ, ban đầu cần nhẹ nhàng cho con làm quen từ từ. Hãy thêm các đồ vật khác vào như cái ly, cái xẻng đồ chơi, muỗng,..để con mở rộng hoạt động chơi

    + Chơi với nước: Nước thường là chất liệu mà hầu như các trẻ rối loạn phổ tự kỷ rất thích, các con có thể tắm và nghịch hàng giờ trong nhà tắm, bồn tắm. Hãy tận dụng những hoạt động liên quan để con có thể chơi với nước, như chơi múc nước đổ xuống, hay đập trên mặt nước,...(Nên nhớ việc để con chơi một mình với nước không giúp gì trong việc cải thiện các vấn đề về tương tác của con)

    Đối với các em rối loạn hành vi cảm giác, cha mẹ cần lưu ý là không nên ép hay ngăn cản khi con có nhu cầu đáp ứng giác quan hay né tránh các kích thích. Việc cách trẻ phản ứng với các trải nghiệm về giác quan  có thể được coi là những biểu hiện những gì mà hệ thần kinh trẻ đang cần.

(Còn tiếp)

Công Bình

Tài liệu tham khảo

Nhóm dịch RUBIC (2017), Hướng dẫn phát triển kỹ năng chơi, NXB thế giới


  Cùng Trung tâm Hoàng Minh đón chào ngày đầu tuần nhiều năng lượng và yêu thương. Trung tâm Hoàng Minh cung cấp các dịch vụ Đánh giá - can ...