23/08/2021

Cách dạy kỹ năng yêu cầu cho con mà cha mẹ cần ứng dụng ngay

    Trẻ rối loạn phát triển (Rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ) thường gặp rất nhiều trở ngại đối với các lĩnh vực giao tiếp, tương tác xã hội, nhận thức,...Trong các lĩnh vực cần chú trong phát triển thì lĩnh vực yêu cầu là một trong những lĩnh vực cần thiết ưu tiên để dạy cho con. Điều này không chỉ giúp con có nhiều cơ hội thể hiện nhu cầu của bản thân một cách phù hợp mà còn giúp con phát triển ngôn ngữ nhanh hơn và thuận lợi hơn nhờ vào kỹ năng thể hiện nhu cầu.
1. Sử dụng các tình huống ngẫu nhiên
    Tình huống ngẫu nhiên là những tình huống diễn ra tự nhiên thường ngày. Với những tình huống ngẫu nhiên tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ có thể thể hiện được yêu cầu về một điều gì đó mà trẻ muốn. Các tình huống ngẫu nhiên thường diễn ra một số các tình huống mà cha mẹ có thể nhận thấy được qua các hoạt động của trẻ như chơi đùa, giờ ăn, hay bất kỳ tình huống nào. Khi con thể hiện quan tâm đến một cái gì đó như thấy xe ôtô đồ chơi trên kệ tủ, trẻ chỉ tay muốn lấy thì lúc này chúng ta sẽ nhắc nhở trẻ đưa ra lời nói để yêu cầu thay vì hành động cử chỉ. 
Cha mẹ nên tận dụng các tình huống ngẫu nhiên để kích thích kỹ năng yêu cầu (Ảnh: Internet)

Có rất nhiều trường hợp và mức độ yêu cầu của trẻ khác nhau mà ba mẹ có thể tùy vào mức độ của con mình để thực hiện cho phù hợp, một số ví dụ minh hòa cho các mức độ mà cha mẹ có thể tham khảo sau đây:
- Đối với trẻ chưa có lời nói: Khi con muốn một đồ vật nào đó trước mắt, hành vi của con thường thể hiện bằng cách la khóc hay với tay giật đồ chơi. Trong tình huống này chúng ta hãy kiên nhẫn đứng sau trẻ, cầm bàn tay của con, chỉnh ngón tay trỏ chỉ vào đồ vật đồng thời nói "muốn" hoặc 1 từ nào đó có nghĩa để thể hiện yêu cầu. Lúc này con sẽ hình thành hành vi yêu cầu bằng cách chỉ khi muốn được vật nào đó.
- Đối với trẻ chỉ yêu cầu bằng từ đơn hay từ ghép hai (chúng ta hay gọi là từ đôi): Với trẻ ở mức độ này, cha mẹ hãy tận dụng các hội khi trẻ thể hiện yêu cầu. Ví dụ: trẻ thấy gói bim bim và chỉ tay nói "bim bim", lúc này cha mẹ hãy mớm lời nhắc trẻ nói nối dài thêm hơn như "muốn bim bim", "xin bim bim" hoặc "con muốn bim bim".
    Tương tự như vậy, cha mẹ hãy giúp con thể hiện yêu cầu bằng lời nói với nhiều cách khác nhau và nên giúp con thể hiện bằng lời nói dài hơn so với mức độ hiện tại của con.
2. Sử dụng tình huống sắp đặt
    Trước khi thực hiện kỹ thuật này, cha mẹ lưu ý cần phải tạo các tình huống sắp đặt từ trước. Để kích thích tăng cơ hội thể hiện yêu cầu của trẻ được nhiều hơn, cha mẹ cần lưu ý lựa chọn đồ vật trẻ yêu thích nhưng những đồ vật đó cần đặt ở xa tầm với của con và trong tầm kiểm soát của cha mẹ. 
Các tình huống mà cha mẹ cần chuẩn bị để có thể thực hiện tốt được kỹ thuật này như sau:
    Tình huống 1: Cha mẹ chuẩn bị một môi trường đầy kích thích như đồ ăn, thức uống, đồ chơi, các hoạt động mà trẻ đều yêu thích. Đặt những kích thích đó trong môi trường mà trẻ có thể dễ dàng thấy được nhưng không thể lấy ngay được, hoặc ngoài tầm với của con. Lúc này con đòi lấy thì cha mẹ chỉ việc khuyến khích con nói hoặc mớm lời hay nói mẫu để con nói và thưởng ngay cho con cái mà con đang muốn lấy.
    Tình huống 2: Cùng chơi với con, khi con lựa chọn được đồ mình thích, cha mẹ chúng ta hãy cất hoặc giữ lấy các đồ vật liên quan đến đồ chơi của con, khi con muốn lấy để chơi thì khuyến khích con nói để yêu cầu. Ví dụ: Khi con chơi trò chơi ghép hình, cha mẹ lúc này hãy giữ các mảnh ghép, sau đó mỗi lần con lấy miếng ghép thì phải xin thì mới được lấy để tiếp tục ghép. Nên nhớ, các trò chơi nên có nhiều bộ phận để dễ thực hiện được kỹ thuật trên.
Sắp đặt các tình huống giúp cha mẹ chủ động hơn trong việc dạy yêu cầu cho con (Ảnh: Internet)

Chúng ta cũng cần lưu ý, nên tăng dần mức độ phức tạp trong lời nói yêu cầu của trẻ. Nhưng không nên tăng mức độ phức tạp quá mức so với khả năng hiện tại của trẻ, vì điều đó làm cho trẻ dễ nản chí và thường không thể thực hiện được, vô tình gây ra các hành vi không mong muốn như ăn vạ, hay từ bỏ nhu cầu.
    Tóm lại, để dạy kỹ năng yêu cầu cho trẻ, cha mẹ cần tận dụng các tình huống có thể xảy ra ngẫu nhiên hoặc có thể chúng ta sắp đặt các tình huống để tạo động lực cho trẻ chủ động yêu cầu. Mỗi khi trẻ yêu cầu chúng ta khen ngợi và tăng độ khó cho trẻ để tạo đà cho trẻ nói nhiều hơn.
C.Bình

21/08/2021

Giúp con nói được bằng việc dạy kỹ năng nhại âm mà cha mẹ có thể làm tại nhà

 1. Vai trò của việc nhại âm ở trẻ

    Đối với kỹ năng học ngôn ngữ ở trẻ em nói chung, khả năng bắt chước lời nói là rất quan trọng trong quá trình học ngôn ngữ. Trẻ học từ mới bằng cách lặp lại âm thanh mà người lớn đọc hay nói cho trẻ biết, bình thường các trẻ tiếp cận rất nhanh các từ mới này bằng việc lắng nghe và lặp lại từ mới đó một vài lần là có thể nhớ và tiếp thu được từ mới đó ngay. Tuy nhiên, đối với trẻ có khó khăn về nhận thức, ngôn ngữ giao tiếp, hay nói cách khác là những trẻ gặp chứng rối loạn phát triển (Rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển,..) với năng lực ngôn ngữ hạn chế, chức năng nhại âm bị trở ngại, dẫn đến trẻ không thể nhại lại âm của người khác từ mọi người xung quanh để phát triển vốn từ. Ở trẻ không gặp các trở ngại, việc học một từ vựng tương đối dễ dàng. Ví dụ trẻ thấy quả táo, và được mẹ dạy bằng cách chỉ vào và nói "quả táo", các trẻ không gặp khó khăn về ngôn ngữ có thể lặp lại được ngay "quả táo" và lúc này người mẹ cho trẻ đó quả táo hoặc cắt táo cho con ăn, đồng thời khen ngợi và nhắc lại là "quả táo", với sự tiếp nhận một vài lần như vậy thì trẻ không gặp trở ngại vể ngôn ngữ sẽ dễ tiếp cận và học được từ mới đó ngay. Tuy nhiên, mọi thứ hoàn toàn khác so với các trẻ gặp rối loạn phát triển, có nhiều trường hợp các con không thể lặp lại ngay lập tức được mặc dù cùng một hoàn cảnh tương tự như những trẻ khác không gặp trở lại.

Vai trò của việc nhại âm ở trẻ. (Ảnh: Internet)

    Việc thiếu hụt kỹ năng nhại âm nên khả năng tiếp nhận thêm từ mới và học ngôn ngữ của trẻ là vô cùng khó khăn. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý các kỹ năng được trình bày dưới đây để dạy cho con phát triển ngôn ngữ một cách đơn giản mà hiệu quả.

2. Cách thức dạy kỹ năng nhại âm

    Trước khi cha mẹ tiến hành dạy kỹ năng này cần lưu ý đánh giá sơ bộ năng lực phát âm và bắt chước nhại âm của con mình. Để làm được điều này, chúng ta cần ngồi đối diện với trẻ và không nên ngồi chỗ quá nhiều đồ vật khiến con sao nhãng. Hãy chuẩn bị một số bức tranh hay một số đồ vật, thức ăn hay bất cứ điều gì con thích. Cha mẹ cũng cần lưu ý, tùy vào mức độ hiện tại của con để lựa chọn các từ để dạy con, nên nhớ đừng chọn từ quá dài, quá khó phát âm mà hãy chọn những từ đơn, ngắn sau đó mới lên từ ghép hai, ghép ba.

    Khi chúng ta dạy cho con kỹ năng này, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

- Dạy con bắt chước lời nói

    Cha mẹ hãy ngồi đối diện với con, sau đó khuyến khích con chú ý tới mình, lúc này chúng ta nói ra 1 từ và khuyến khích con nói theo, nếu con cố gắng nói gần đúng hoặc đúng thì hãy thưởng cho con một phần thưởng. Các phần thưởng đơn giản như một miếng bim bim, hay vỗ tay yeah,.... Việc thưởng cho con bằng phần thưởng hay khen ngợi là cách để kích thích con lặp lại lời nói theo cha mẹ. Lưu ý chúng ta nên lựa chọn những từ đơn giản nhất có thể mà gần với năng lực hiện tại của con.

Dạy con bắt chước lời nói (Ảnh: Internet)

    Ngoài ra, cha mẹ có thể ứng dụng cách dạy nhại lời thông qua các hoạt động chơi. Ví dụ chúng ta chơi trò chơi thả bi, khi chúng ta đếm một, hai, ba thì nhấn mạnh âm "ba" và chờ một lúc nhìn vào con để con cùng nhìn giữa viên bi và mắt của cha mẹ. Hãy kiên trì hoạt động này, cha mẹ sẽ đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi.

- Tăng cường, khuyến khích tất cả các cách phát âm

    Khi con gặp khó khăn trong việc bắt chước lặp lại lời và tỏ vẻ không có động cơ để bắt chước lời nói. Đối với những trường hợp này, chúng ta nên theo dõi và chơi với con để quan sát thử xem con đã có những âm thanh phát ra nào. Hãy lấy giấy bút ra viết lại những âm thanh mà trẻ hay phát ra trong những tình huống mà chúng ta nghe được hoặc cố ghi nhớ những âm thanh đó lại. Sau đó, cha mẹ hãy tạo các tình huống tương tự để kích thích con phát các âm thanh đó. Nên nhớ, mỗi lần con phát ra âm thanh đó chúng ta hãy thưởng cho con một phần thưởng hay lặp lại ngay hành động mà làm cho con chủ động phát ra âm thanh đó. Ví dụ, cha mẹ đang cùng con nhún nhảy trên đệm, mỗi lần người ba tung con lên cao rồi té xuống đệm thì con phát ra âm "ùm", lúc này chúng ta hãy bắt lấy cơ hội và cũng nói từ "ùm" theo cùng với trẻ và tiếp tục hành động đó để trẻ phát ra âm đó được nhiều lần hơn.

Tăng cường, khuyến khích tất cả các cách phát âm (Ảnh: Internet)

- Thông qua hoạt động yêu cầu

    Trong các hoạt động hàng ngày, chúng ta thường thấy các nhu cầu của trẻ thể hiện rất nhiều. Cha mẹ hãy tận dụng những hoạt động này để kích thích khả năng lặp lại của con cha mẹ hãy tạo các tình huống để trẻ có cơ hội yêu cầu, lúc này chúng ta hãy yêu cầu trẻ lặp lại các từ mà chúng ta yêu cầu, nên nhớ hãy cho trẻ lặp từ vừa sức của trẻ và quan trọng hơn hết là từ đó phải đúng với hoàn cảnh lúc đó và có ý nghĩa. Ví dụ, trẻ rất thích xe ôtô và rất muốn lấy xe, cha mẹ hãy kiên nhẫn cầm chiếc xe đưa ngang tầm mắt của con và yêu cầu nói "xin" hoặc "xe", nếu trẻ lặp từ tốt hơn thì chúng ta có thể yêu cầu con lặp lại "xin xe" hoặc "xe ô tô",...

Thông qua hoạt động yêu cầu (Ảnh: Internet)

Hãy cố gắng kiên nhẫn và thử nhiều lần để con có thể thực hiện. Đối với trẻ, việc lặp lại ngay lập tức là quá khó đối với các con nên cha mẹ hãy kiên nhẫn và thực hiện nhiều lần.

C.Bình

Yếu tố gây nên rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em mà cha mẹ cần biết


    Chúng ta thường thấy, những trẻ có rối loạn ngôn ngữ thường biểu hiện khó khăn trong quá trình tiếp nhận (khả năng nghe hiểu) ngôn ngữ người khác hoặc biểu đạt (diễn tả bằng lời) ngôn ngữ để thể hiện trong giao tiếp. Việc nhận diện ra những yếu tố gây nên rối loạn ngôn ngữ là rất cần thiết để cha mẹ và giáo viên có cách thức đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp trẻ có sự phát triển tốt nhất về ngôn ngữ.

1. Một số rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em

- Rối loạn ngôn ngữ biểu đạt: Ở dạng này, trẻ thường gặp  khó khăn trong kỹ năng tạo ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi  ở dạng nói hoặc dạng viết. Biểu hiện trong khó khăn trong việc tìm và sử dụng từ vựng, khả năng kể lại câu chuyện kém, thường chỉ trả lời dưới dạng ai hỏi mới nói, câu nói ngắn và thiếu đầy đủ thông tin.

- Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận: Hay được hiểu là kém về việc hiểu yêu cầu, lời hướng dẫn của người khác. Nhiều lúc chúng ta sẽ thấy trẻ nghe nhưng không hiểu được hết các thông tin mà chúng ta nói, hoặc chỉ hiểu được một phần. Và nhiều lúc chúng ta phải nói ngắn gọn, nói bằng cụm từ hay từ đơn thì trẻ mới tỏ vẻ hiểu hơn.

- Rối loạn hỗn hợp tiếp nhận và biểu đạt ngôn ngữ: Ở những trẻ gặp khó khăn này thường gặp khó khăn cả hai chiều đó là khả năng nói ra bằng lời và khả năng nghe hiểu ngôn ngữ từ người khác. 

Cha mẹ cần chú ý những biểu hiện rối loạn ngôn ngữ để có biện pháp tác động kịp thời. (Ảnh. Internet)

2. Yếu tố gây nên rối loạn ngôn ngữ

    Các dạng rối loạn ngôn ngữ tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng. Ngoài việc chúng ta xem xét rối loạn ngôn ngữ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết dành cho phụ huynh, chúng tôi chỉ đề cập tới một số yếu tố ảnh hưởng tác động, gây nên chứng rối loạn ngôn ngữ mà cha mẹ vô tình gây nên. Trong đó, một số yếu tố ảnh hưởng mà có thể kể đến bao gồm:

- Do sự chăm sóc: Trong một số trường hợp nhất định, khi người lớn, cha mẹ trẻ quá lo lắng về sự an toàn hay vì một hoàn cảnh nào đó mà không cho trẻ có cơ hội được được tiếp xúc với các trẻ khác cùng trang lứa hay ít có cơ hội được tiếp xúc với mọi người xung quanh. Ngoài ra, có nhiều trường hợp cha mẹ hay ông bà vì quá bao bọc con, đáp ứng các nhu cầu của con ngay lập tức, hoặc nhiều lúc đoán và đáp ứng trước cả khi con thể hiện nhu cầu và dần dần con giảm bớt động cơ trong việc thể hiện ngôn ngữ lời nói của mình. Điều đó là một trong những yếu tố dẫn đễn không cần phải nói hay lười nói.

Việc trẻ được cơ hội tham gia các hoạt động với bạn bè sẽ giúp ích rất lớn cho trẻ phát triển các kỹ năng  (Ảnh. Internet)

- Xem tivi, điện thoại quá nhiều: Một trong những yếu tố nguy cơ gây chứng rối loạn ngôn ngữ bắt nguồn từ việc cha mẹ hay ông bà cho trẻ xem tivi, điện thoại quá sớm và quá nhiều. Đây là phương tiện có vẻ như giúp ích cho rất nhiều cha mẹ hay ông bà nhẹ nhàng hơn trong việc trông con, hành vi để con xem tivi, điện thoại để người lớn làm các công việc khác là một trong những trường hợp thường xảy ra nhất đối với các bậc phụ huynh. Xem tivi, điện thoại là kênh không có sự tương tác, trẻ chỉ tương tác một chiều mà không có sự hồi đáp lại, điều này ảnh hưởng không nhỏ không chỉ tới ngôn ngữ mà còn ảnh hưởng tới cảm xúc, quá trình phát triển của trẻ sau này.

Xem tivi, điện thoại quá nhiều cũng là tác nhân làm thêm vấn đề khó khăn ngôn ngữ trầm trọng hơn  (Ảnh. Internet)

- Chế độ dinh dưỡng: Cùng với sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ còn có một yếu tố cũng có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ và khả năng ngôn ngữ của trẻ đó là vấn đề chế độ dinh dưỡng. Sự phát triển chức năng đặc biệt của bộ não có liên quan chặt chẽ đến nhu cầu dinh dưỡng nhất định như choline, axit folic, sắt, kẽm và chất béo,..Theo Doris Trauner (2016) đã chỉ ra, trong thời gian thai kỳ, nếu cha mẹ lạm dụng các loại thuốc hoặc sử dụng chất kích thích, hay trường hợp trẻ bị sinh non thì nguy cơ trẻ bị rối loạn ngôn ngữ khá cao.

Chế độ dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng cha mẹ cần lưu ý  (Ảnh. Internet)


C.Bình

Tài liệu tham khảo

Doris Trauner. MD (2016), language disoders


16/08/2021

7 kỹ thuật có chứng cớ khoa học trong can thiệp trẻ hiệu quả mà cha mẹ có thể áp dụng tại nhà (phần 1)

 

    Kỹ thuật can thiệp thực chứng có nghĩa là kỹ thuật được chứng minh hiệu quả thông qua các nghiên cứu khoa học. Hay đơn giản, chúng ta có thể hiểu những kỹ thuật này được nghiên cứu và cho thấy rất hiệu quả. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau trong việc can thiệp cho trẻ. Một số các kỹ thuật trong phương pháp phân tích hành vi ứng dụng, hay thường gọi là phương pháp ABA được chứng minh hiệu quả nhất hiện nay.

    Tuy nhiên, cha mẹ cũng lưu ý rằng, có kỹ thuật sẽ phù hợp với trẻ này nhưng có thể nó lại không phù hợp với trẻ khác (Seaver,2013). Một số các kỹ thuật cha mẹ có thể ứng dụng trong việc dạy con được trình bày và hướng dẫn dưới đây:

1. Phân tích nhiệm vụ

    Hay nói cách khác là kỹ thuật chia nhỏ từng phần, khi dạy cha mẹ lưu ý rằng một mục tiêu kỹ năng cụ thể nào đó chúng ta muốn dạy con thì phải chia nhỏ thành các bước nhỏ và sắp xếp các bước đó theo chuỗi (có nghĩa là chúng ta cố gắng phân chia 1 kỹ năng nào đó muốn dạy con thành nhiều bước khác nhau, và kiên trì dạy từng bước 1). Việc của chúng ta là dạy con từng phần nhỏ đó, chúng ta vừa làm mẫu vừa gợi ý và dạy con có thể kết nối chuỗi các bước với nhau lại từ đầu tới cuối hay từ ngược lại. với hình thức này một kỹ năng nào đó cần dạy cho con được chia làm nhiều bước nhỏ để dễ dàng thực hiện. Cha mẹ lúc này chỉ việc nhắc nhở con thực hiện theo từng bước trước, sau đó giúp con thực hiện các bước sau cho tới khi con làm được đến bước cuối cùng mà không cần giúp.

Cha mẹ hãy chia nhỏ từng bước để con dễ tiếp cận và học hơn (Ảnh: Internet)

2. Xâu chuỗi (Chaining)

    Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, kỹ thuật xâu chuỗi là dạy cho con từng bước nhỏ một theo một trật tự và giúp con kết nối chuỗi đó thành một kỹ năng. Việc cha mẹ chia từng bước nhỏ như vậy sẽ không khiến con bị rối hay dễ bị từ bỏ nhiệm vụ học tập vì làm một lúc đối với con là không thực hiện được. Chuỗi có thể thực hiện bằng các cách cơ bản là chuỗi xuôi, chuỗi ngược và xâu chuỗi tất cả các nhiệm vụ. Ví dụ khi cha mẹ muốn dạy con mặc quần thì chúng ta sẽ ngồi lại và viết ra tờ giấy chia nhỏ theo từng bước 1, có thể chung ta chia làm các bước sau: bước 1: dùng 2 tay để cầm lưng quần; bước 2: Kéo giãn lưng quần; bước 3: Xỏ chân phải vào ống quần; bước 4: xỏ chân trái vào ống quần; bước 5: kéo lưng quần ngang đầu gối; bước 6: đứng lên và kéo lưng quần lên gần thắt lưng; bước 7: sửa lại quần. Đây được gọi là chuỗi các hoạt động để có thể hình thành kỹ năng mặc quần. Tùy vào từng cá nhân trẻ mà chúng ta có thể làm tuần tự từ bước 1 đến bước 7 hoặc ngược lại.

3. Tạo hình (Shaping)

    Đây thường là một kỹ thuật được sử dụng trong việc dạy một hành vi mới. Có nghĩa là cha mẹ có thể khuyến khích và củng cố sự gần đúng liên tục ở hành vi đó cho tới khi hành vi đó trở nên thuần thục. Ví dụ khi cha mẹ muốn dạy con kỹ năng cầm muỗng, ngoài việc chúng ta chia các bước nhỏ như các kỹ thuật ở trên để con dễ thực hiện thì cha mẹ khuyến khích hành vi cầm muỗng xúc cơm đưa lên miệng (khuyến khích có thể là vỗ tay khen ngợi, hoặc thưởng thêm chút thức ăn con thích,...), và thực hiện khen ngợi như vậy cho tới khi con thực hiện được kỹ năng đó một cách thuần thục. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý là đối với kỹ thuật này yêu cầu con cần có một chút kỹ năng bắt chước và kỹ năng đó phải vừa sức với con.

Làm mẫu là cách rất tốt để trẻ có thể bắt chước học kỹ năng mới (Ảnh: Internet)

4. Củng cố (Reinforcement)

    Củng cố được hiểu là cách mà chúng ta làm một điều gì đó để hành vi của con tăng lên hoặc giảm xuống. Ví dụ, con "vòng tay ạ", cha mẹ thấy vậy cho con 1 miếng bánh vì con giỏi, và cứ thực hiện nhiều lần như vậy thì hành vi con "vòng tay ạ" sẽ được thực hiện nhiều lần hơn. Vậy việc cho bánh chính là phần thưởng cho trẻ và là yếu tố có thể kích thích thêm khả năng "vòng tay ạ" của con trong tương lai (lần sau con sẽ siêng "vòng tay ạ" hơn vì mỗi lần như thế đều được thưởng). 

(Tiếp phần 2)

C.Bình

Tài liệu tham khảo

1. Chen, L (2015). The impact of model-lead-test coaching on parents' implementation of reinforcement, prompting, and fading with their children with autism spectrum disorder

2. Granpeesheh,D., Tarbox,J., Najdowski, A., & Kornack,J. (2014). Evidence - based Treatment for Children with Autism: The CARD Model. Elsevier.

7 kỹ thuật có chứng cớ khoa học trong can thiệp trẻ hiệu quả mà cha mẹ có thể áp dụng tại nhà (phần 2)


 (Tiếp theo)

5. Nhắc nhở/gợi ý (Prompts)

    Về bản chất, ba mẹ có thể hiểu đơn giản rằng nhắc nhở là cách gợi ý để giúp con ghi nhớ một điều gì đó. Đối với trẻ rối loạn phát triển thì nhắc nhở là điều quan trọng và cần thiết để học kỹ năng mới. Việc nhắc nhở sẽ giúp con thực hiện thành công và độc lập trong việc học các kỹ năng. Cha mẹ cũng nên có kế hoạch trong việc nhắc nhở/ gợi ý để tránh con bị phụ thuộc vào sự nhắc nhở/ gợi ý bởi vì chúng ta không phải hướng tới việc các con chờ đợi phải gợi nhắc thì mới thực hiện hành động việc trẻ thực hiện. 

    Cha mẹ cũng cần phải lưu ý, chúng ta không nên đưa quá nhiều những gợi ý/ nhắc nhở trong một khảng thời gian ngắn. Điều này dễ làm cho con bị rối. Sau khi nhắc nhở chúng ta cần chờ một khoảng thời gian nhất định để trẻ thực hiện hoặc trẻ chuẩn bị và sau đó mới tiếp tục nhắc nhở lại hoặc nhắc nhở, gợi ý mới tiếp theo.

    Cha mẹ cần lưu ý, tùy vào từng mức độ hiểu biết, mức độ thực hiện kỹ năng mà chúng ta cần dạy cho con mà đưa ra các gợi nhắc phù hợp, trong đó chúng ta có thể sử dụng các mức độ nhắc từ thấp lên cao như sau:

Nhắc nhở/ gợi ý bằng thể chất: Khi trẻ hoàn toàn chưa biết kỹ năng mà trẻ đang học, cha mẹ dùng tay để nhắc nhở con để giúp con thực hiện hành vi đó. Trong đó, cầm tay con nhắc nhở gồm hai mức độ đó là cầm tay hỗ trợ toàn phần hay một phần. Ví dụ. tập cho con kỹ năng kéo quần lên, khi con không thể thực hiện, cha mẹ chúng ta có thể gợi nhắc bằng cách cầm 2 bàn tay của con đưa sát tới lưng quần, rồi cho con cầm vào lưng quần, lúc này tay của chúng ta cầm tay của con để con có thể cầm được lưng quần, sau dó dùng lực tay của chúng ta kéo tay và quần của con lên. (đây là nhắc nhở toàn phần bằng thể chất). Nhắc nhở một phần có nghĩa chúng ta cũng cầm tay con đặt xuống lưng quần, con tự cầm quần và hỗ trợ con kéo lên. Cha mẹ cũng có thể sáng tạo và ứng dụng thêm nhiều cách khác nhau đối với các kỹ năng cần dạy cho con khác.

- Nhắc nhở, gợi ý bằng cách làm mẫu: Cha mẹ cần hiểu, làm mẫu ở đây là làm đúng cách thực hiện để con có thể theo dõi và bắt chước làm theo. Đối với kỹ năng này cha mẹ cần lưu ý để sử dụng được kỹ thuật này yêu cầu con phải có kỹ năng bắt chước tốt và làm theo được sau khi thấy cha mẹ làm mẫu. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý, mỗi khi con thực hiện và bắt chước được hoặc cố gắng bắt chước bằng một hành động hay cách thức nào đó thì chúng ta cần phải phản hồi về hành vi con bắt chước, có thể là khen ngợi bằng lời hay thưởng cho con một phần thưởng nhỏ. Ví dụ, khi dạy cho con kỹ năng đi giày, cha mẹ chúng ta cần chuẩn bị một đôi giày của mình và bên cạnh là con của mình cũng có một đôi giày tương tự. Chúng ta thực hiện làm mẫu bằng các bước xỏ chân vào giày và con nhìn bắt chước theo cách mà chúng ta thực hiện trước đó. Hãy nhớ khen ngợi con khi con thực hiện theo, dù nhiều lần con vẫn chưa làm được hay làm chưa đạt.

- Nhắc nhở gợi ý trực quan: Đây là cách chúng ta cho con thấy những hình ảnh hoặc đồ vật nào đó về hành vi con thực hiện như mong đợi của chúng ta. Ví dụ khi con muốn ăn bánh, chúng ta sẽ gợi ý cho con bằng cách đưa hình ảnh ngửa tay xin để gợi nhắc cho con là con cần phải ngửa tay xin để lấy được bánh ăn.

- Nhắc nhở, gợi ý bằng lời: Đúng như tên gọi, đó là cách cha mẹ dùng lời nói để gợi ý, nhắc nhở con để thực hiện theo mong đợi. Ví dụ, con muốn xin bánh nhưng không biết cách diễn đạt câu "con muốn bánh" lúc này cha mẹ có thể mớm lời bằng cách nói "con muốn..." rồi đến lượt trẻ sẽ điền từ bánh vào.

6. Xóa nhắc (Prompt fading)

    Đây là cách mà giúp cho con tự tin thực hiện mà không cần phải nhắc nhở như trước đây nữa. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả và để con có thể tự làm một cách độc lập mà không cần phải nhìn hay theo sát con để nhắc nhở thì cha mẹ chúng ta hãy thực hiện một số cách sau:

    Hướng dẫn chia theo cấp độ: Có nghĩa từ việc cha mẹ chúng ta sử dụng các bước nhắc nhở gợi ý từ "thể chất" rồi giảm dần về "nhắc nhở gợi ý bằng cách làm mẫu" cho tới cấp độ cuối cùng "nhắc nhở, gợi ý bằng lời".

    Gợi ý từ nhiều nhất tới ít nhất: Đây là cách phụ huynh chúng ta giảm dần sự hỗ trợ, gợi ý cho con để con dần dần tiến về năng lực tự độc lập về mặt kỹ năng. Ví dụ. dạy cho con kéo quần, từ việc chúng ta cầm tay của con kéo lên một cách hoàn toàn thì chúng ta giảm dần bằng cách giảm lực kéo tay, rồi chạm hờ tay, rồi buông tay dần và để con tự làm. Đây thực sự là một quá trình, cha mẹ chúng ta không nên nóng vội, có thể mỗi bước như vậy mất cả tuần để có thể chuyển sang bước mới.

    Nhắc nhở từ ít nhất đến nhiều nhất: ngược lại với cách trên, chúng ta nhắc nhở trẻ nhưng con vẫn không thực hiện được thì chúng ta nhắc nhở nhiều hơn, nếu con vẫn chưa thực hiện được thì hỗ trợ đến mức mà con có thể thực hiện được, và sau đó giảm dần.

7. Khái quát hóa

    Đây là cách mà cha mẹ chúng ta có thể chuyển từ những bài tập, bài học được dạy ở trường hay ở nhà ra môi trường bên ngoài để con có thể sử dụng được. Ví dụ ở lớp con có thể độc lập cầm muỗng xúc cơm đưa vào miệng ăn, thì kỹ năng này chúng ta cũng phải dạy con được ở nhà và khi con ra ngoài công cộng. Điều này vô cùng quan trọng trong việc hướng con tới tự độc lập về kỹ năng.

C.Bình

Tài liệu tham khảo

1. Chen, L (2015). The impact of model-lead-test coaching on parents' implementation of reinforcement, prompting, and fading with their children with autism spectrum disorder

2. Granpeesheh,D., Tarbox,J., Najdowski, A., & Kornack,J. (2014). Evidence - based Treatment for Children with Autism: The CARD Model. Elsevier.


06/08/2021

Các biện pháp hỗ trợ cho các con giảm thiểu tác động tâm lý trong mùa dịch mà cha mẹ cần biết


    Trong giai đoạn xã hội đang phải thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, các hoạt động kết nối xã hội nói chung bị gián đoạn gây nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên là một trong những đối tượng dễ bị tác động ảnh hưởng nhất. Một số nghiên cứu gần đây chũng cho thấy thời gian ở nhà các em sử dụng các thiết bị điện tử có dấu hiệu gia tăng rất cao trung bình khoảng 30 giờ mỗi tuần, tỷ lệ vận động thể chất giảm tới 4/5 so với trước đại dịch. Đây thực sự là một thách thức lớn ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất lẫn tĩnh tần của trẻ em và thanh thiếu niên.

    Các giải pháp khuyến nghị giúp cho cha mẹ và các em có những hoạt động phù hợp nhằm phòng ngừa những tác động của đại dịch lên sức khỏe tâm thần của các em bao gồm:

1. Xây dựng kế hoạch và thời gian biểu một cách khoa học

    Cha mẹ cũng có thể định hướng hoặc thảo luận với các em về các kế hoạch cũng như thời gian biểu trong ngày. Định hướng cho các em thiết kế thời gian biểu theo lịch trình xen kẽ đa dạng giữa học tập, giải trí, vận động thể chất và tham gia các hoạt động chung cùng gia đình. Điều này sẽ giúp các em cân bằng hơn trong các hoạt động hàng ngày vừa đảm bảo được cá hoạt động như vận động thể chất thông qua chơi đùa, tập thể dục, học tập, cùng tham gia làm các công việc nhà.

Xây dựng kế hoạch và thời gian biểu một cách khoa học (Nguồn: internet)

2. Dành nhiều thời gian để giao tiếp và chia sẻ với nhau 

    Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, các em cũng tiếp nhận rất nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh mang tính tiêu cực, gây tâm lý hoang mang, lo hãi. Đặc biệt đối với những em có người thân trong gia đình dương tính với SAR-CoV-2 hoặc gia đình cách ly do có người gần dương tính. Việc chia sẻ, cung cấp các thông tin tích cực cho các em là điều quan trọng. Việc trò chuyện trực tiếp với con về vấn đề dịch bệnh cũng như cung cấp các thông tin tích cực cũng có thể làm giảm bớt lo lắng và tránh hoảng sợ hoang mang tới con.

Dành nhiều thời gian để giao tiếp và chia sẻ với nhau (Nguồn: internet)

3. Tăng cường khuyến khích con cùng tham gia các hoạt động chung

Ngoài việc cùng con lên kế hoạch để giúp con cân bằng trong các hoạt động hàng ngày. Các bậc cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động chung với gia đình trong các hoạt động hằng ngày, chẳng hạn như trồng cây, chỉnh sửa các thiết bị trong gia đình, cùng tham gia trong các buổi nấu ăn, quét dọn nhà, phơi quần áo, sắp xếp lại giá sách hay quần áo cũ… bởi trước đó, các bạn dành rất nhiều thời gian cho việc học mà ít có thời gian để cùng gia đình thực hiện các hoạt này. Đây cũng là hoạt động giúp gắn kết, xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên với nhau.


Tăng cường khuyến khích con cùng tham gia các hoạt động chung (Nguồn: internet)

4. Khuyến khích con tham gia học các khóa học bổ trợ kỹ năng

Trong thời gian nghỉ dịch, cha mẹ nên khuyến khích các em dành nhiều thời gian hơn để học thêm các kiến thức mới, kỹ năng mới: có thể là các chương trình bổ trợ năng khiếu như ca hát, âm nhạc, hội họa hay bất kỳ những kỹ năng nào mà các em thấy ý nghĩa và có ích. Đây cũng là hoạt động mà có thể giúp các em năng động hơn và giảm thiểu việc sử dụng internet giải trí quá nhiều.

Khuyến khích con tham gia học các khóa học bổ trợ kỹ năng (Nguồn: internet)

5 Tăng cường các hoạt động thể chất và đảm bảo dinh dưỡng

    Ngoài những tác động tích cực giúp phát triển tốt về mặt vận động, hoạt động thể chất còn giúp giảm căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và kết nối về cảm xúc giữa cha mẹ và con cái.

Xây dựng lịch tập và hoạt động cụ thể mỗi ngày: Tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ và các thành viên trong gia đình, ba mẹ nên có các hoạt động như tập thể dục thông qua bài tập nhịp điệu hoặc các hoạt động được lồng ghép theo cách con thích. Mỗi hoạt động  tập khoảng 20 phút ở cường độ cao hoặc 30 phút ở cường độ trung bình mỗi ngày.

Các bài tập mà cha mẹ có thể ứng dụng như: Các động tác khởi động (nhịp điệu và âm nhạc), các bài tập như nằm ra và ba mẹ kéo giãn cơ,...ngoài ra có thể cùng con tham gia các hoạt động như leo cầu thang, tập nhảy cóc, nhảy bao bố, hay đá bóng qua lại,...


Tăng cường các hoạt động thể chất và đảm bảo dinh dưỡng (Nguồn: internet)

Ngoài việc quan tâm đến sức khỏe thể chất, việc đảm bảo ăn uống đầy đủ các bữa để giữ gìn sức khỏe tăng sức đề kháng cho bản thân cũng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình trong giai đoạn đại dịch này.

C.Bình

  Cùng Trung tâm Hoàng Minh đón chào ngày đầu tuần nhiều năng lượng và yêu thương. Trung tâm Hoàng Minh cung cấp các dịch vụ Đánh giá - can ...