23/08/2021

Cách dạy kỹ năng yêu cầu cho con mà cha mẹ cần ứng dụng ngay

    Trẻ rối loạn phát triển (Rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ) thường gặp rất nhiều trở ngại đối với các lĩnh vực giao tiếp, tương tác xã hội, nhận thức,...Trong các lĩnh vực cần chú trong phát triển thì lĩnh vực yêu cầu là một trong những lĩnh vực cần thiết ưu tiên để dạy cho con. Điều này không chỉ giúp con có nhiều cơ hội thể hiện nhu cầu của bản thân một cách phù hợp mà còn giúp con phát triển ngôn ngữ nhanh hơn và thuận lợi hơn nhờ vào kỹ năng thể hiện nhu cầu.
1. Sử dụng các tình huống ngẫu nhiên
    Tình huống ngẫu nhiên là những tình huống diễn ra tự nhiên thường ngày. Với những tình huống ngẫu nhiên tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ có thể thể hiện được yêu cầu về một điều gì đó mà trẻ muốn. Các tình huống ngẫu nhiên thường diễn ra một số các tình huống mà cha mẹ có thể nhận thấy được qua các hoạt động của trẻ như chơi đùa, giờ ăn, hay bất kỳ tình huống nào. Khi con thể hiện quan tâm đến một cái gì đó như thấy xe ôtô đồ chơi trên kệ tủ, trẻ chỉ tay muốn lấy thì lúc này chúng ta sẽ nhắc nhở trẻ đưa ra lời nói để yêu cầu thay vì hành động cử chỉ. 
Cha mẹ nên tận dụng các tình huống ngẫu nhiên để kích thích kỹ năng yêu cầu (Ảnh: Internet)

Có rất nhiều trường hợp và mức độ yêu cầu của trẻ khác nhau mà ba mẹ có thể tùy vào mức độ của con mình để thực hiện cho phù hợp, một số ví dụ minh hòa cho các mức độ mà cha mẹ có thể tham khảo sau đây:
- Đối với trẻ chưa có lời nói: Khi con muốn một đồ vật nào đó trước mắt, hành vi của con thường thể hiện bằng cách la khóc hay với tay giật đồ chơi. Trong tình huống này chúng ta hãy kiên nhẫn đứng sau trẻ, cầm bàn tay của con, chỉnh ngón tay trỏ chỉ vào đồ vật đồng thời nói "muốn" hoặc 1 từ nào đó có nghĩa để thể hiện yêu cầu. Lúc này con sẽ hình thành hành vi yêu cầu bằng cách chỉ khi muốn được vật nào đó.
- Đối với trẻ chỉ yêu cầu bằng từ đơn hay từ ghép hai (chúng ta hay gọi là từ đôi): Với trẻ ở mức độ này, cha mẹ hãy tận dụng các hội khi trẻ thể hiện yêu cầu. Ví dụ: trẻ thấy gói bim bim và chỉ tay nói "bim bim", lúc này cha mẹ hãy mớm lời nhắc trẻ nói nối dài thêm hơn như "muốn bim bim", "xin bim bim" hoặc "con muốn bim bim".
    Tương tự như vậy, cha mẹ hãy giúp con thể hiện yêu cầu bằng lời nói với nhiều cách khác nhau và nên giúp con thể hiện bằng lời nói dài hơn so với mức độ hiện tại của con.
2. Sử dụng tình huống sắp đặt
    Trước khi thực hiện kỹ thuật này, cha mẹ lưu ý cần phải tạo các tình huống sắp đặt từ trước. Để kích thích tăng cơ hội thể hiện yêu cầu của trẻ được nhiều hơn, cha mẹ cần lưu ý lựa chọn đồ vật trẻ yêu thích nhưng những đồ vật đó cần đặt ở xa tầm với của con và trong tầm kiểm soát của cha mẹ. 
Các tình huống mà cha mẹ cần chuẩn bị để có thể thực hiện tốt được kỹ thuật này như sau:
    Tình huống 1: Cha mẹ chuẩn bị một môi trường đầy kích thích như đồ ăn, thức uống, đồ chơi, các hoạt động mà trẻ đều yêu thích. Đặt những kích thích đó trong môi trường mà trẻ có thể dễ dàng thấy được nhưng không thể lấy ngay được, hoặc ngoài tầm với của con. Lúc này con đòi lấy thì cha mẹ chỉ việc khuyến khích con nói hoặc mớm lời hay nói mẫu để con nói và thưởng ngay cho con cái mà con đang muốn lấy.
    Tình huống 2: Cùng chơi với con, khi con lựa chọn được đồ mình thích, cha mẹ chúng ta hãy cất hoặc giữ lấy các đồ vật liên quan đến đồ chơi của con, khi con muốn lấy để chơi thì khuyến khích con nói để yêu cầu. Ví dụ: Khi con chơi trò chơi ghép hình, cha mẹ lúc này hãy giữ các mảnh ghép, sau đó mỗi lần con lấy miếng ghép thì phải xin thì mới được lấy để tiếp tục ghép. Nên nhớ, các trò chơi nên có nhiều bộ phận để dễ thực hiện được kỹ thuật trên.
Sắp đặt các tình huống giúp cha mẹ chủ động hơn trong việc dạy yêu cầu cho con (Ảnh: Internet)

Chúng ta cũng cần lưu ý, nên tăng dần mức độ phức tạp trong lời nói yêu cầu của trẻ. Nhưng không nên tăng mức độ phức tạp quá mức so với khả năng hiện tại của trẻ, vì điều đó làm cho trẻ dễ nản chí và thường không thể thực hiện được, vô tình gây ra các hành vi không mong muốn như ăn vạ, hay từ bỏ nhu cầu.
    Tóm lại, để dạy kỹ năng yêu cầu cho trẻ, cha mẹ cần tận dụng các tình huống có thể xảy ra ngẫu nhiên hoặc có thể chúng ta sắp đặt các tình huống để tạo động lực cho trẻ chủ động yêu cầu. Mỗi khi trẻ yêu cầu chúng ta khen ngợi và tăng độ khó cho trẻ để tạo đà cho trẻ nói nhiều hơn.
C.Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cùng Trung tâm Hoàng Minh đón chào ngày đầu tuần nhiều năng lượng và yêu thương. Trung tâm Hoàng Minh cung cấp các dịch vụ Đánh giá - can ...