16/08/2021

7 kỹ thuật có chứng cớ khoa học trong can thiệp trẻ hiệu quả mà cha mẹ có thể áp dụng tại nhà (phần 1)

 

    Kỹ thuật can thiệp thực chứng có nghĩa là kỹ thuật được chứng minh hiệu quả thông qua các nghiên cứu khoa học. Hay đơn giản, chúng ta có thể hiểu những kỹ thuật này được nghiên cứu và cho thấy rất hiệu quả. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau trong việc can thiệp cho trẻ. Một số các kỹ thuật trong phương pháp phân tích hành vi ứng dụng, hay thường gọi là phương pháp ABA được chứng minh hiệu quả nhất hiện nay.

    Tuy nhiên, cha mẹ cũng lưu ý rằng, có kỹ thuật sẽ phù hợp với trẻ này nhưng có thể nó lại không phù hợp với trẻ khác (Seaver,2013). Một số các kỹ thuật cha mẹ có thể ứng dụng trong việc dạy con được trình bày và hướng dẫn dưới đây:

1. Phân tích nhiệm vụ

    Hay nói cách khác là kỹ thuật chia nhỏ từng phần, khi dạy cha mẹ lưu ý rằng một mục tiêu kỹ năng cụ thể nào đó chúng ta muốn dạy con thì phải chia nhỏ thành các bước nhỏ và sắp xếp các bước đó theo chuỗi (có nghĩa là chúng ta cố gắng phân chia 1 kỹ năng nào đó muốn dạy con thành nhiều bước khác nhau, và kiên trì dạy từng bước 1). Việc của chúng ta là dạy con từng phần nhỏ đó, chúng ta vừa làm mẫu vừa gợi ý và dạy con có thể kết nối chuỗi các bước với nhau lại từ đầu tới cuối hay từ ngược lại. với hình thức này một kỹ năng nào đó cần dạy cho con được chia làm nhiều bước nhỏ để dễ dàng thực hiện. Cha mẹ lúc này chỉ việc nhắc nhở con thực hiện theo từng bước trước, sau đó giúp con thực hiện các bước sau cho tới khi con làm được đến bước cuối cùng mà không cần giúp.

Cha mẹ hãy chia nhỏ từng bước để con dễ tiếp cận và học hơn (Ảnh: Internet)

2. Xâu chuỗi (Chaining)

    Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, kỹ thuật xâu chuỗi là dạy cho con từng bước nhỏ một theo một trật tự và giúp con kết nối chuỗi đó thành một kỹ năng. Việc cha mẹ chia từng bước nhỏ như vậy sẽ không khiến con bị rối hay dễ bị từ bỏ nhiệm vụ học tập vì làm một lúc đối với con là không thực hiện được. Chuỗi có thể thực hiện bằng các cách cơ bản là chuỗi xuôi, chuỗi ngược và xâu chuỗi tất cả các nhiệm vụ. Ví dụ khi cha mẹ muốn dạy con mặc quần thì chúng ta sẽ ngồi lại và viết ra tờ giấy chia nhỏ theo từng bước 1, có thể chung ta chia làm các bước sau: bước 1: dùng 2 tay để cầm lưng quần; bước 2: Kéo giãn lưng quần; bước 3: Xỏ chân phải vào ống quần; bước 4: xỏ chân trái vào ống quần; bước 5: kéo lưng quần ngang đầu gối; bước 6: đứng lên và kéo lưng quần lên gần thắt lưng; bước 7: sửa lại quần. Đây được gọi là chuỗi các hoạt động để có thể hình thành kỹ năng mặc quần. Tùy vào từng cá nhân trẻ mà chúng ta có thể làm tuần tự từ bước 1 đến bước 7 hoặc ngược lại.

3. Tạo hình (Shaping)

    Đây thường là một kỹ thuật được sử dụng trong việc dạy một hành vi mới. Có nghĩa là cha mẹ có thể khuyến khích và củng cố sự gần đúng liên tục ở hành vi đó cho tới khi hành vi đó trở nên thuần thục. Ví dụ khi cha mẹ muốn dạy con kỹ năng cầm muỗng, ngoài việc chúng ta chia các bước nhỏ như các kỹ thuật ở trên để con dễ thực hiện thì cha mẹ khuyến khích hành vi cầm muỗng xúc cơm đưa lên miệng (khuyến khích có thể là vỗ tay khen ngợi, hoặc thưởng thêm chút thức ăn con thích,...), và thực hiện khen ngợi như vậy cho tới khi con thực hiện được kỹ năng đó một cách thuần thục. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý là đối với kỹ thuật này yêu cầu con cần có một chút kỹ năng bắt chước và kỹ năng đó phải vừa sức với con.

Làm mẫu là cách rất tốt để trẻ có thể bắt chước học kỹ năng mới (Ảnh: Internet)

4. Củng cố (Reinforcement)

    Củng cố được hiểu là cách mà chúng ta làm một điều gì đó để hành vi của con tăng lên hoặc giảm xuống. Ví dụ, con "vòng tay ạ", cha mẹ thấy vậy cho con 1 miếng bánh vì con giỏi, và cứ thực hiện nhiều lần như vậy thì hành vi con "vòng tay ạ" sẽ được thực hiện nhiều lần hơn. Vậy việc cho bánh chính là phần thưởng cho trẻ và là yếu tố có thể kích thích thêm khả năng "vòng tay ạ" của con trong tương lai (lần sau con sẽ siêng "vòng tay ạ" hơn vì mỗi lần như thế đều được thưởng). 

(Tiếp phần 2)

C.Bình

Tài liệu tham khảo

1. Chen, L (2015). The impact of model-lead-test coaching on parents' implementation of reinforcement, prompting, and fading with their children with autism spectrum disorder

2. Granpeesheh,D., Tarbox,J., Najdowski, A., & Kornack,J. (2014). Evidence - based Treatment for Children with Autism: The CARD Model. Elsevier.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cùng Trung tâm Hoàng Minh đón chào ngày đầu tuần nhiều năng lượng và yêu thương. Trung tâm Hoàng Minh cung cấp các dịch vụ Đánh giá - can ...